Tin hot

Hướng dẫn đọc bản vẽ xây dựng khi bạn làm nhà

Có thể nói kiến trúc là một ngành nghề, một lĩnh vực rất đặc thù khi nó yêu cầu yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ trong khi phải đáp ứng những quy chuẩn khô khan nghiêm ngặt của khoa học kỹ thuật. Kiến trúc dung hòa hai khía cạnh tưởng như trái ngược nhau này một cách hoàn hảo, mang đến cho con người những công trình kiến trúc đáp ứng đủ cả tiêu chuẩn thẩm mỹ lẫn chức năng. Sổ tay ý tưởng kỳ này sẽ giúp cho bạn hiểu rõ một khía cạnh khoa học nhỏ trong kiến trúc, đó là những bản vẽ kỹ thuật, hồ sơ xây dựng – căn cứ đầu tiên giúp bạn xây dựng ngôi nhà của mình.

Khi lên kế hoạch và bắt tay vào quá trình xây sửa tổ ấm cho gia đình, không sớm thì muộn bạn sẽ phải làm quen với bản vẽ kỹ thuật xây dựng – công cụ giao tiếp và truyền đạt ý tưởng giữa các kiến trúc sư, kỹ sư và thợ xây. Điều đó có nghĩa là nó mang tính chất chuyên ngành, riêng biệt và khó hiểu đối với số đông.

Giai đoạn đầu khi bắt tay tìm ý tưởng cho một ngôi nhà dường như là khoảng thời gian vui vẻ và dễ chịu nhất, bạn có thể thoải mái tìm kiếm cảm hứng cho ngôi nhà tương lai qua những ảnh chụp, hình vẽ sưu tầm mẫu, đồng thời phác thảo nó lên giấy bằng những phối cảnh, tranh vẽ… Tuy nhiên điều đó là chưa đủ để truyền đạt toàn bộ ý tưởng và nguyện vọng của bạn đến các kỹ sư và thợ xây dựng. Các nhà chuyên môn sẽ chỉ làm việc với nhau thông qua các bản vẽ xây dựng, hồ sơ kỹ thuật được trình bày theo quy chuẩn nghiêm ngặt và đúng tỉ lệ, kích thước.

Vì thế bài viết này sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản giúp bạn đọc hiểu và nắm rõ hơn những bản vẽ xây dựng nhà ở như: cách đọc mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng, các chi tiết kỹ thuật, ký hiệu, tỉ lệ.

1. Bản vẽ mặt bằng công trình

Không gian có ba chiều. Ai cũng hiểu và dễ dàng tưởng tượng nó. Tuy nhiên làm thế nào để thể hiện nó trên giấy? Những bản vẽ phối cảnh hay 3D, mô hình chỉ thể hiện được một phần của không gian và không mang đủ thông tin khoa học để biến nó thành những ngôi nhà được xây dựng trong thực tế.



Để thể hiện không gian ba chiều lên giấy phẳng, người ta sử dụng các hình chiếu. Đây là dạng nguyên sơ cơ bản của mặt bằng, mặt cắt và mặt đứng trong kiến trúc.

Mặt bằng là hình chiếu vuông góc của ngôi nhà lên mặt phẳng hình chiếu sau khi đã bóc mái. Tuy nhiên, nếu chỉ có thế thì sẽ không truyền tải được nhiều thông tin (như cửa sổ, cửa đi, cột,… ) nên người ta thường cắt ngôi nhà bằng một mặt phẳng tưởng tượng song song với mặt phẳng hình chiếu. Như vậy, mặt bằng truyền tải cho người đọc vị trí, kích thước chính xác của cột, tường, dầm, cửa sổ, cửa chính, vị trí các đồ nội thất và kích thước của chúng.




Hãy quan sát bản vẽ mặt bằng ví dụ này. Bạn có để ý tới bảng ghi chú ở lề phải của bản vẽ? Đây là nơi bạn có thể tìm kiếm các thông tin như: tên công trình, Kiến trúc sư, chủ đầu tư, nhà thầu, diện tích và kích thước công tình, mật độ xây dựng, tỉ lệ bản vẽ, ngày tháng lập bản vẽ, và ghi chú chỉnh sửa… Trong đó bạn cần đặc biệt quan tâm tới thông tin về tỉ lệ bản vẽ, thông thường trong kiến trúc nhà ở là 1/100, 1/50 hoặc 1/10 với các bản vẽ bổ kỹ thuật chi tiết.

Bản vẽ này thể hiện 2 mặt bằng: gồm mặt bằng tầng trệt và mặt bằng tầng 1 của một công trình nhà ở. Mặt bằng được định hướng bởi một hệ thống lưới trục xác định bằng các đường tim tường, các đường nét đứt mờ nối liền các cột.

Nhìn trên bản vẽ, hệ thống lưới này được ký hiệu theo chiều dọc theo bảng chữ cái từ A đến J và đánh số theo chiều ngang từ 1 đến 9. Ví dụ, khi nói về cột ở cầu thang, bạn sẽ nói cột ở vị trí F4, F8. Điều này giúp ích cho kỹ sư và người xây dựng nắm vững vị trí, cấu tạo và dễ dàng kiểm soát tiến độ khi hiện thực hóa bản vẽ thành ngôi nhà thực sự. Có thể hiểu đơn giản, hệ thống lưới trục đánh số ký hiệu này giống như một hệ tọa độ trên mặt phẳng xác định vị trí cho ngôi nhà.

Ngoài ra trên mặt bằng, kiến trúc sư thường thể hiện cả nét cắt của bản vẽ mặt cắt. Hãy để ý các đường nét đứt dọc theo bản vẽ và ký hiệu bởi ô tròn có dấu tam giác chỉ hướng nhìn. Đây chính là ký hiệu chỉ ví trí của mặt phẳng tưởng tượng cắt dọc ngôi nhà, song song với mặt phẳng hình chiếu. (tương tự như mặt bằng nhưng theo chiều đứng)

Một thông tin nữa bạn đọc được trên mặt bằng đó là kích thước. Cách viết kích thước được quy định trong bản vẽ kiến trúc là tính từ đường tim, trục chứ không tính từ mặt phẳng 2 bức tường. Ví dụ, khoảng cách giữa 2 bức tường trục E và F thể hiện trên bản vẽ là khoảng cách giữa 2 đường tim tường.

Ngoài ra, theo quy chuẩn xây dựng, kích thước của bản vẽ kiến trúc thường được thể hiện bằng đơn vị mm. Ví dụ, khoảng cách giữa 2 bức tường là 6m, thì trên bản vẽ số liệu thể hiện sẽ là 6000, cũng như vậy, kích thước thể hiện 1500 tức là 1.5m trên thực tế. (mách nhỏ cho bạn, thường người ta hay dùng tỉ lệ 1/100, do đó 6m trên thực tế sẽ bằng 6cm trên bản vẽ)

Trên bản vẽ, các ô chữ nhật đậm thể hiện cột chịu lực, nối liền nó là lớp tường ngoài, tường ngăn được ký hiệu bằng các đường chéo nghiêng 45 độ – thể hiện rằng những bức tường này được xây bằng gạch.


Trong một số trường hợp, như ở bản vẽ kiến trúc này, người ta không thể hiện rõ kích thước mặt bằng mà thay vào đó sử dụng thước đo tỉ lệ xích. Cách này dùng nhiều trong những bản vẽ ý tưởng ở thời kỳ sơ khai, khi đã chốt phương án, các kiến trúc sư sẽ bắt đầu bổ kỹ thuật và lập hồ sơ xây dựng chi tiết.

2. Bản vẽ mặt đứng công trình

Mặt đứng diễn tả vẻ ngoài của ngôi nhà lên các mặt phẳng hình chiếu đứng.

Để quy định và phân biệt các mặt đứng, người ta cũng áp dụng hệ thống lưới trục ở mặt bằng. Ví dụ: mặt đứng A-I, mặt đứng I-A, mặt đứng 1-9, mặt đứng 9-1.

Thông thường một ngôi nhà sẽ có 4 bản vẽ mặt đứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, ví dụ như mặt đứng được lặp lại giống nhau ở cả 4 chiều thì sẽ chỉ cần 1 bản vẽ. Hoặc như trường hợp nhà lô phố ở Việt Nam với 1 mặt tiền giáp phố, vậy chỉ cần 1 mặt đứng, vì 3 mặt còn lại đều áp tường nhà lân cận.

3. Bản vẽ mặt cắt công trình

Mặt cắt thể hiện không gian kiến trúc. Giống với mặt bằng, nó cũng là hình chiếu của ngôi nhà được cắt bởi một mặt phẳng hình chiếu song song với mặt phẳng chiếu. Mặt cắt truyền đạt các thông tin về chiều cao tầng, kích thước-độ cao cửa, vật liệu xây dựng, cao độ cốt nền, khoảng thông tầng, cầu thang, ban công,… .


Mặt cắt thường được yêu cầy ký hiệu rõ ràng vật liệu, người đọc bản vẽ có thể biết rõ loại vật liệu cấu thành nên chi tiết kiến trúc.

Mặt cắt thường được cắt qua cầu thang, thể hiện rõ chi tiết kỹ thuật của thang đối với các không gian khác trong nhà ở. Ngoài ra, mặt cắt thể hiện rõ kết cấu, cấu tạo hệ dầm, sàn, mái trong nhà ở.

4. Trích xuất chi tiết kỹ thuật, bổ kỹ thuật

Sau khi hoàn thiện các bản vẽ mặt bằng, mặt cắt. Người ta bắt đầu trích xuất các chi tiết phức tạp, phóng to và bổ kỹ thuật để thể hiện cấu kiện chi tiết của nó. Giúp người thợ tưởng tượng và hình dung được các bước tiến hành thực hiện việc xây dựng nó.


Ở hình vẽ này là chi tiết kỹ thuật phần bếp nhô ra.

Thông thường người ta thường bổ kỹ thuật các chi tiết như: nhà vệ sinh, mái, sàn, ban công,… hoặc bất cứ chi tiết nào được thiết kế và quy định khác với hình thức thông thường đều cần được ghi chú và thể hiện rõ ràng trên bản vẽ.

Mục ghi chú trong bản vẽ

Ngoài ra, bản vẽ kỹ thuật chi tiết thường có nhiều cột ghi chú, thể hiện thông tin như: tên chi tiết, các bộ phận cấu thành, loại vật liệu sử dụng, kích thước, các bước lắp đặt,… giúp người thi công nắm được quá trình thực hiện.

5. Bản vẽ kỹ thuật điện, nước

Để hoàn thiện hồ sơ xây dựng, bạn còn cần bản vẽ thiết kế điện, nước cho ngôi nhà từ các kỹ sư điện, nước. Bản vẽ này thể hiện hệ thống dẫn, thoát nước trong nhà. Hệ thống đèn điện chiếu sáng, vị trí đặt ổ cắm, công tắc,… Những điều này rất quan trọng trong nhà ở, và nếu không được đầu tư chăm sóc hợp lý sẽ mang đến rất nhiều điều bất tiện cho cuộc sống của bạn.






6. Bản vẽ phối cảnh

Là bản vẽ hình chiếu 3D của công trình giúp gia chủ hình dung được hình ảnh công trình trong thực tế theo cách quan sát thông thường chứ không phải theo ngôn ngữ kỹ thuật. Bản vẽ phối cảnh giúp chủ nhà hình dung công trình theo hướng trực quan sinh động với các chất liệu và màu sắc thực tế.



Việc đọc hiểu bản vẽ thiết kế ngôi nhà sẽ giúp gia chủ nắm rõ những điều kiến trúc sư muốn diễn đạt trong thiết kế, đồng thời trao đổi với kiến trúc sư nhằm đảm bảo được sự hài lòng với ngôi nhà tương lai của mình.

Không có nhận xét nào